Mitsubishi Motors Vietnam

Header

Đua xe chuyên nghiệp – ‘cuộc hành xác’ của những tay lái Việt

Chiếc xe đua Rally hừng hực lao về đích, nhưng đầu xe toang hoác, đèn xe đã bị rơi trước đó cả chục km trong rừng, bạn phải vẫy 1 gã thổ dân kẹp xe máy quay lại và lạc vào địa giới của lính vũ trang địa phương.

Gamuda Yên Sở một ngày đầu tháng 8, bão Wipha vẫn đang càn quét trút xuống những cơn mưa trắng xóa. Đoàn Linh, lãnh đội Aka Racing dẫn tôi tới “đại bản doanh”, chỉ cho xem chiếc Triton 2019 được lột xác hoàn toàn, và câu chuyện bắt đầu! Mọi chi tiết nội thất được nhổ sạch, cabin chỉ còn sắt và thép, một khung lồng toàn ống thép tròn được gia cố chằng chịt, vô-lăng với hàng loạt nút bấm không còn, thay bằng loại chuyên dụng có chỉ báo màu vàng hướng 12h và vòng đệm mút. Còi chuyển sang phía ghế phụ tại vị trí của tay đua dẫn đường (Co – driver). Bộ ghế da êm ái giờ là đôi ghế đua đỏ rực lừng lững.

Toàn bộ khung xe lúc này trở thành bộ giáp vững chắc sẵn sàng chịu đựng những cú bổ nhào tự do ở tốc độ có lúc lên tới 150 km/h trên hố bùn, gò đất. Toàn bộ dàn gầm là chằng chịt những ống Thụt giảm chấn dây nhợ, đeo thêm những tấm thép che gầm, bộ lốp gai to bản lồi cả ra hông, bản M/T thuộc loại “đầu gấu” của nhãn hiệu Toyo chuyên trị những bề mặt đường Off-road xấu xa nhất. Thùng sau lừng lững khung gá thêm đôi lốp sơ cua, đeo thêm tời, kích, cuốc xẻng mỏ cày.. chẳng kém gì những chiếc xe quân sự.

Rất ngạc nhiên nhưng dưới nắp ca-pô, trái tim của chiến mã Triton của AKA vẫn là khối động cơ dầu MIVEC 2.4L hoàn toàn mới nguyên bản như xe “dân” đi phố. Khối máy này được các tay đua kiên quyết giữ lại không cho thay, bởi họ có lí do để tin tưởng nó. Cục máy dầu trong nhóm bán tải duy nhất được đúc bằng hợp kim nhôm nguyên khối, nó nhẹ hơn tới 30kg, mạnh 180Hp và 430Nm. Nó còn có “tuyệt chiêu” là hệ thống điều khiển van biến thiên điện tử không đối thủ pick-up nào có. Họ biết rằng cục máy này khi truyền mô-men “kéo” xuống lốp, lực kéo tăng lên đều và ngọt hơn, ko bị hẫng nhiều như Bi-turbo hay bị phụ thuộc vào Turbo độ. Đua trong định dạng Rally rất oái ăm, không phải sức kéo lớn đột ngột là có lợi, vì mặt đường không bao giờ bằng phẳng. Lực kéo gắt quá chỉ dễ khiến trượt rê mất lực. Lực kéo mô-men càng đều càng ổn định càng có lợi, chưa kể lợi thế giảm rung động do tỉ số nén khá thấp (15.5:1). Nếu cần mạnh hơn, họ chỉ cần yêu cầu đội thợ máy chỉnh Turbo để tăng công suất thêm mà vẫn đảm bảo chất ổn định của máy.. yếu tố tiên quyết trong đua xe Rally – xe phải lì lợm đối phó với cuộc tranh đấu trường kỳ hàng ngàn km tơi bời.

Hộp số tự động của Triton chỉ 6 cấp nhưng đi cùng hệ thống gài cầu trứ danh “Super Selec II” đã khẳng định tại đấu trường Dakar Rally bao nhiêu năm qua. Hộp số 6 cấp này vừa đủ tỉ số truyền để không bị thiếu hay thừa sức kéo khi cần tăng tốc gắt và không đuối khi chạy đều ở tua máy thấp. Món “đồ chơi” Super Select 4WD-II với 4 chế độ vận hành 2H-4H-4HLc-4LLc, nó cho các tay đua “vặn” chuyển cầu điện tử ngay khi đang đạp ga tới 100km/h, nếu có mất ma sát lốp, Triton của AKA vẫn còn có “bảo bối” vi sai trung tâm khoá cứng nguy cơ trượt lốp. Và nếu thích chiến đường lầy, đá sỏi, cỏ trơn.. Triton vẫn còn vũ khí “khủng” là bộ cài đặt sẵn cho 4 chế độ chạy địa hình (Off-road Mode).. chiếc xe tự điều chỉnh lực kéo cho lốp bám tốt nhất các loại đường.

Một lý do khác ngoài những bí mật ở khối động cơ Triton nguyên bản kia, đội đua Racing Aka muốn cạnh tranh ấn tượng với các đội chuyên nghiệp khác, với đội hậu cần hùng hậu gấp nhiều lần. Lần đầu tham gia đua xe, họ sẽ vào giải với tinh thần của những gã chơi ngông, can đảm chả có gì phải ngán! Mặt khác họ muốn chiếc Triton phải giữ được những thông số kỹ thuật nguyên bản. Bởi nếu như phải dùng một liều “doping” để ép chiếc xe vượt xa công suất thiết kế, thì ý nghĩa chinh phục cuộc đua để vượt qua chính mình sẽ không còn.

12:06 ngày 11/8, cờ hiệu phất xuống, Hoàng Giang đạp hết tốc lực. Chiếc Triton lao vút đi bỏ lại phía sau đám đất đỏ bụi mù. Xe hậu cần chạy men theo con đường mòn, biển Pattaya xanh ngắt đã xa khuất, trước mắt chỉ thấy con đường nhão nhoét bùn đất và những cánh rừng bất tận. Mưa bắt đầu trút xuống. AXCR là một thử thách đặc biệt, ở đó mọi tay đua đều không biết trước hành trình thực tế sẽ ra sao. Họ không thể sử dụng các ứng dụng bản đồ kỹ thuật số bởi ám hiệu dẫn hướng trên đường chạy đôi khi lại được chỉ dấu bằng một viên đá hay một cành cây, đó là quy định của cuộc chơi.

Nhiệm vụ của tay đua dẫn đường Trần Phát ở vị trí ghế phụ mang nhiều yếu tố chiến thuật, bởi nếu anh ấy điều hướng sai, Hoàng Giang sau vô-lăng sẽ phải cài số lùi, có nghĩa thời gian sẽ bị cộng thêm và điểm số hạ xuống tương ứng. Kim chỉ nam duy nhất của họ là cuốn sổ tay vẽ trước các điểm mốc trên lộ trình, bằng phân tích, quan sát và đánh giá quang cảnh trước mặt, họ phải biết mình đang ở đâu. Đường nằm trong não và ở chân ga.

Ngày thi đấu thứ 3 với quãng đường di chuyển 403.19 km đánh dấu kết thúc hành trình dài tổng cộng 1.700 km trên đất Thái Lan. Có những cung đường bề rộng chỉ vừa đủ cho duy nhất một xe chiếc di chuyển. Nếu đội của bạn đang không phải xe dẫn đầu, những đội có nhiều xe hơn sẵn sàng chèn những chiếc xe của họ vào giữa và di chuyển thật chậm để kìm hãm xe sau, đảm bảo cho xe phía trước của họ giữ được khoảng cách an toàn với phần còn lại. Đó là chiến thuật thường thấy của những đội đua “nhà giàu”. Đoàn Linh thốt lên: “Cuộc đua bào mòn mọi thứ, từ cái xe, đến tay đua, nhóm hậu cần, sửa chữa… và tiền bạc.”

Ở AXCR, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Đội đua được ví như “con nhà giàu” mang theo tới hai xe container chỉ để chứa phụ tùng thay thế và đội ngũ kỹ thuật viên lên tới 70 người. Đội “con nhà nghèo” đơn giản nhất chỉ có 1, 2 chiếc xe bao gồm cả xe thi đấu, người lái là tay đua đồng thời là thợ sửa chữa. Bạn có thể không được chọn nơi sinh ra, nhưng cách sống là ở bạn và sự nỗ lực thì chẳng bao giờ có giới hạn.

Một cuộc đua phá vỡ tất cả các quy luật, tàn khốc và nguy hiểm. Ngay ở nơi xe bạn đi qua, người dân có thể băng qua đường bất cứ lúc nào và cướp giật cũng có thể xảy ra.

Trong trường dạy lái, nếu chúng ta lái xe số tự động thì bài học vỡ lòng là chỉ được phép sử dụng chân phải để điều khiển ga và phanh. Ở AXCR mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Dù cho chiếc xe điều khiển là số sàn hay số tự động thì sử dụng cả hai chân ở mọi thời điểm gần như là kỹ năng bắt buộc. Nếu chỉ sử dụng chân phải, khi tay đua buông ga chuyển sang bàn đạp phanh, tua máy sẽ xuống thấp. Khi đó bộ tăng áp sẽ bị ngắt, tay đua tăng ga trở lại, độ trễ xuất hiện, vì tăng áp lại cần thời gian để đạt tới vòng tua cao hơn giúp nó kích hoạt. Lúc đó, xe phía trước đã bỏ bạn một khoảng cách xa. Hoàng Giang phải sử dụng cả hai chân để luôn giữ được tua máy chiếc Triton 2019 ít nhất từ 2.000 vòng/phút ở mọi dải tốc độ để đảm bảo bộ tăng áp luôn duy trì trạng thái kích hoạt, kể cả lúc phanh. Có như thế, xe mới bứt tốc lại nhanh chóng để vượt xe khác. Trên đường đua, chỉ một phần trăm giây chênh lệch đã là hai số phận trái ngược.

Ban tổ chức cảnh báo có 2 loại đường trong cuộc đua. Ở những nơi đông dân cư, loại đường đóng sẽ có các nhân viên chịu trách nhiệm phân làn, hướng dẫn. Những khu vực thưa thớt khác dành cho đường mở, họ sẽ phải tự làm chủ, quan sát để tránh va chạm vì người dân có thể băng qua đường bất cứ lúc nào, cũng không thể loại trừ cả khả năng có cướp giật xảy ra. Sẽ không có ai đứng ra đảm bảo cho những tình huống bất trắc như thế, học cách tự bảo vệ mình cho hành trình 2.400 km là điều bắt buộc.

Không phải mọi chiếc xe đều đủ bền bỉ để đi tới những chặng đua cuối cùng. Vỡ láp, gãy cầu, thủng két nước là những nguy cơ luôn thường trực. Chặng Thái Lan đã khiến ít nhất 1/3 đoàn xe gặp sự cố nghiêm trọng, rất nhiều trong số chúng không thể khắc phục trong đêm để tiếp tục hành trình còn lại.

Vượt qua biên giới Mae Sot, chặng Myanmar “rừng thiêng nước độc” khiến nhiều tay đua tự đặt câu hỏi: Họ đang đi tìm vinh quang hay đang sa lầy trong chính cái bẫy do mình đặt ra?

Trận lũ quét quá lớn đã khiến hơn 100 người dân Myanmar thiệt mạng, 70 km đường ngập trắng. Một đoàn xe rất dài chừng 300 chiếc với gần 1.000 con người men theo một bên đường quốc lộ.

Đoàn Linh cập nhật tình hình trên trang cá nhân lúc 11h30 ngày 14/8:

“Qua bên này biên giới Myanmar, một cảm giác ập đến ngay với những người thế hệ 7x như chúng tôi, rất xúc động, nhiều ký ức trở về… có điều gì đó rất giống Việt Nam khoảng hơn 20 năm trước. Đường vào Hpa An hơn 70 km. Vùng này đang lụt trắng, đường đi khủng khiếp, hàng ngàn chiếc xe tải xếp hàng… tốc độ di chuyển chỉ khoảng 15-20 km/h. Cũng may là chính quyền Myanmar đã phong tỏa đường để đoàn có thể di chuyển, nếu không chắc với 70 km này đến đêm nay chúng tôi không về nổi khách sạn”.

Chặng LEG5, chiếc Triton lội qua con suối ngập quá nắp ca-pô. Rất nhiều tay lái non và đội đua khác đã bị bỏ lại hoặc không thể vượt qua. Lúc này Racing Aka đang dẫn đầu trong tất cả các đội lần đầu tham dự và giữ vị trí 18/34 toàn đoàn. Nhưng sự hứng khởi nhanh chóng qua đi bởi chặng đường phía trước còn rất dài, họ chỉ mang theo vỏn vẹn 1 tấn phụ tùng. Giữ được chiếc xe trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt còn quan trọng hơn việc ép nó đạt tốc độ bao nhiêu. AXCR không chỉ là cuộc chiến của tốc độ, đó còn là thử thách của sức bền và tư duy chiến thuật.

Nếu trên đường đua xe của bạn làm rơi bất kì một chi tiết nào, bạn phải quay lại lấy, hoặc đội đua sẽ phải chịu phạt điểm số và có thể gây ra những tai nạn nghiệm trọng cho xe xuất phát sau. Cuối ngày thi đấu thứ năm, sau chặng SS5. Một đèn với cản trái chiếc Triton bị rơi trong chặng chạy hết tốc lực này. Tốc độ được cảm biến ghi lại có lúc lên hơn 150 km/h. Hoàng Giang nhờ một gã xe ôm địa phương vòng lại hơn 40 km để tìm lại chi tiết cho chiếc xe, bởi sớm hôm sau, nó phải được lắp lại đúng vị trí, nếu không, theo quy định chiếc xe sẽ không được phép xuất phát. Lang thang trong rừng đi tìm đồ, cả 2 gã một tay đua mướt mả mồ hôi với 1 anh thổ dân đen nhẻm đụng ngay 1 nhóm tay súng bất ngờ xuất hiện. Trong khoảnh khắc loay hoay đứng hình, hai bên nhìn nhau chằm chằm, nòng súng đen sì, mặt đối mặt. May thay, gã xe ôm bản địa chỉ vào mẩu tem xanh đỏ lờ mờ hình gì đó dán trên chiếc xe máy không thể “nát” hơn của gã. Và có lẽ mấy câu nói ríu rít của gã với cách vừa chỉ vào Giang, vừa khoa tay ra vẻ vần vô lăng và đạp ga với cái kiểu nhún nhún chồm chồm như thằng “khùng”.. Bên nhóm lính hiểu ngay đây chỉ là đám “đua xe”! Thế là cười toe toét và anh em lại vỗ vai lên đường. Có lẽ cái chất lính tráng cũng như chất liều mạng của dân đua xe nó cùng máu… Đó giống như cảm giác được tái sinh.

Những trải nghiệm trên mới chỉ là một phần nhỏ của sự tàn khốc. Nhưng nơi đâu rồi cũng có tình người và lòng yêu thể thao. Rất nhiều cung đường đoàn xe di chuyển qua, người dân hai bên háo hức chờ sẵn từ lâu. Những bắp ngô non, ca nước, gói mỳ được trao qua ô cửa xe. Những nụ cười đôn hậu, mộc mạc của người dân vùng sông Mekong mang lại tinh thần tươi mới và can đảm.

Nhưng đua xe không chỉ là ga và số. Ban ngày là cuộc chiến của các tay đua thì khi đêm buông xuống, cuộc chiến của đội kỹ thuật bắt đầu.

Ngay sau khi tới điểm tập kết sau từng chặng, các đội kỹ thuật sẽ kiểm tra tổng thể từng xe. Dầu máy được thay mới, từng con ốc, bu-lông được siết lại. Các bộ phân bị hư hại lập tức được thay thế hoặc sửa chữa. Với những đội đua có nguồn tài chính vượt trội thì hầu hết công việc sửa chữa sẽ không gặp nhiều trở ngại. Nhưng với một đội lần đầu tham dự như Racing Aka, bài toán cân bằng giữa những gì họ có và chiến thuật bung sức hay giữ nhịp để đảm bảo xe phải luôn hoàn thành từng chặng đua không hề đơn giản. Một số xe gần như trong tình trạng đập đi làm lại ngay trong một đêm: thay động cơ, thay hộp số, làm lại khung gầm, hàn cabin buồng lái… chúng thuộc về câu lạc bộ “đầu tư triệu đô” trong cuộc đua năm nay.

13:30 ngày 16/8. Chiếc Triton mang số hiệu 133 lao tới vạch đích cuối cùng. Nắng vàng tươi trải đầy thủ đô Naypyidaw, Myanmar. Racing Aka xếp vị trí chung cuộc 17/34 toàn đoàn.

Tất cả đều đã an toàn. Hoàng Giang và Trần Phát trèo lên ca-pô chiếc Triton dâng cao ngọn cờ Việt Nam. Xung quanh là đội hậu cần, kỹ thuật viên vang nụ cười hào sảng.

Bức ảnh đó chắc chắn sẽ được mở ra nhiều lần để lau bụi và nhớ về một hành trình kì diệu của những con người kết nối với nhau bằng niềm đam mê tốc độ và thể thao chuyên nghiệp. 6 chặng đua, 2.400 km trôi đi như một thước phim cuộc đời.

Quán café màu vàng cũ trên con phố Nguyễn Văn Ngọc, Đoàn Linh rít một hơi thuốc quen, nhả khói mơ màng như chưa muốn dừng chuyện, tay kia khuấy đều ly café đen. Anh rút chiếc điện thoại khoe với tôi vài tấm hình, miệng cười giòn tan: “Anh chụp xe trông có đẹp không? Lái Triton vẫn thấy sướng”…

Bạn muốn làm gì tiếp theo?

Bạn có thể tìm kiếm thêm thông tin liên quan từ menu bên dưới